top-banner-2

Thứ năm, 14/01/2021, 15:56 GMT+7

Tỷ phú giàu hàng đầu châu Á nợ hơn 1 tỷ USD

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 14/01/2021, 15:56 GMT+7

Chỉ trong 5 năm, từ một trong những người giàu nhất châu Á, trùm bất động sản Hong Kong Pan Sutong trở thành 'chúa chổm' với khoản nợ hơn 1 tỷ USD.

Năm 2015, tỷ phú Hong Kong Pan Sutong sở hữu khối tài sản 27 tỷ USD, đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất châu Á, theo Bloomberg. Sau khi cổ phiếu Tập đoàn Goldin Financial Holdings Ltd. của Pan lao dốc, tài sản của ông cũng bốc hơi nhanh chóng. Phần lớn tài sản của ông hiện bị đóng băng do các khoản vay thế chấp và bản thân ông cũng biến mất khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới.

ty-phu-giau-hang-dau-chau-a-no-hon-1-ty-usd

Cựu tỷ phú Hong Kong Pan Sutong. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, khối tài sản ban đầu của Pan không đến từ bất động sản mà từ kinh doanh và sản xuất đồ điện tử, một lĩnh vực mà ông đã mạo hiểm đầu tư sau khi chuyển từ California (Mỹ) đến Hong Kong. Năm 2008, Pan chuyển sang đầu tư vào bất động sản. Cơn sốt bất động sản bùng nổ ở Hong Kong, thị trường đắt đỏ nhất thế giới đã giúp Pan trở thành một trong những người giàu có nhất châu Á.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Pan và một số nhà đầu tư bất động sản khác trượt dốc khi biểu tình và Covid-19 bùng lên ở Hong Kong, đẩy thành phố này vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nhà đầu tư Tang Shing-bor, biệt danh "Shop King", cũng đang tìm cách bán tháo bất động sản trị giá hàng tỷ USD. Một nhóm nhà đầu tư từng chi 5,2 tỷ USD để mua tòa tháp The Center giờ cũng rơi vào bế tắc vì thị trường bất động sản Hong Kong đóng băng hồi năm ngoái.

Về phần Pan, từ tháng 5/2017 đến tháng 9/2020, ông Pan và Goldin Financial gánh khoản nợ khoảng 38 tỷ HKD (4,9 tỷ USD) vì đầu tư vào 4 bất động sản ở Hong Kong. Hiện, Goldin vẫn nợ ít nhất 1 tỷ USD, theo hồ sơ công ty công bố vào tháng trước.

Các số liệu mới nhất cho thấy nợ ròng của Goldin so với Ebitda (chỉ số tài chính phản ánh lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao) là khoảng 9 lần vào cuối năm 2018. Trong khi đó con số cuối năm 2019 của Sun Hung Kao Properties Ltd., tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong, chỉ khoảng 2,3 lần, của HKR International là 2 lần.

Thậm chí cả khoản vay 1,1 tỷ USD từ CK Asset Holdings, do tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành) bảo lãnh, cũng không đủ để giải cứu Goldin Financial.

Tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn Goldin Financial. Ảnh: Bloomberg.

Tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn Goldin Financial. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, sự sụp đổ của Goldin Financial bắt nguồn từ chiến lược của Pan trong việc chia tách quyền sở hữu tài sản công ty và lợi ích cá nhân. Từ năm 2011 đến năm 2020, Pan và Goldin Financial đã mua một bất động sản thương mại và hai bất động sản nhà ở. Goldin Financial chiếm 60% cổ phần sở hữu, Pan nắm 40% còn lại. Cơ cấu sở hữu tương tự cũng được thực hiện với một bất động sản nhà ở khác.

Tuy nhiên vào năm 2018, Pan muốn có toàn quyền sở hữu một bất động sản nhà ở và phần lớn cổ phần của một bất động sản khác tại khu Cửu Long. Đổi lại, ông bán cổ phần trong hai bất động sản còn lại cho Goldin Financial, bao gồm 40% cổ phần ở Goldin Financial Global Centre và một mảnh đất đắt đỏ gần sân bay Kai Tak cũ.

Do đó, Pan trở thành người bảo lãnh duy nhất cho khoản vay 7,19 tỷ HKD (927 triệu USD) để phát triển một trong các dự nhà ở này. Ít nhất bốn ngân hàng liên quan đến khoản vay đã không đồng ý với các điều khoản thỏa thuận và từ chối cho Pan vay tiền. Điều này gây khó khăn cho Goldin Financial. Dự án Kai Tak sau đó bị trì hoãn. Cuối năm 2019, Goldin Financial không thể huy động vốn để phát triển dự án này. Sau đó, công ty phải bán rẻ lô đất với giá khoảng 451 triệu USD, thấp hơn một nửa so với số tiền đã bỏ ra hồi năm 2018.

Sau khi Goldin Financial không kịp thanh toán các khoản nợ tới hạn, các chủ nợ tới bao vây tòa nhà trụ sở của công ty. Hồi tháng 7/2020, các chủ nợ từng cho Goldin vay 3, 4 tỷ HKD (438 triệu USD) đòi công ty này trả tiền ngay lập tức. Trong khi đó, nhóm chủ đầu tư nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 6, 8 tỷ HKD (876 triệu USD) đe dọa sẽ tịch thu khối văn phòng được thế chấp nếu công ty không trả nợ.

Cuối cùng, nhóm đầu tư nắm giữ lượng trái phiếu trên đã thành công nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao Hong Kong để giành quyền kiểm soát tòa nhà trụ sở công ty cao 27 tầng vào tháng 9/2020. Từ đó, họ đã ký một thỏa thuận bán tòa nhà sau một cuộc đấu thầu kéo dài nhiều tháng.

Goldin cho biết việc bán tòa nhà chọc trời này sẽ đủ để trả cả trái phiếu và khoản nợ chưa thanh toán. Tuy nhiên, việc bán bất động sản này sẽ biến công ty từ chủ nhà trở thành người đi thuê lại trên chính trụ sở chính của mình, một động thái phản ánh "vận đen" liên tục đến với tỷ phú Pan trong vài năm gần đây.

 theo Sơn Nam / ngoisao.net - 14/01/2021

link nguồn: https://ngoisao.net/ty-phu-giau-hang-dau-chau-a-no-hon-1-ty-usd-4220390.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tỷ phú giàu hàng đầu châu Á nợ hơn 1 tỷ USD

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc