Thị trường bột giặt Việt Nam yếu thế trước hàng ngoại. |
Thứ năm, 05/09/2013, 08:30 GMT+7 |
Với doanh số ước tính vào khoảng 600 – 650 triệu đôla một năm, tốc độ tăng trưởng bình quân trên dưới 10%, thị trường bột giặt Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn. Các doanh nghiệp tên tuổi nhất trong nước dù đã cố gắng xoay xở nhưng cuối cùng cũng an phận gia công hoặc dạt về thị trường nông thôn vì 98% thị phần này nằm gọn trong tay Unilever, P&G và Công ty Lix (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, ba nhãn hiệu nằm trong "nhận biết" của người tiêu dùng là Omo, Tide và Viso. Với sức mạnh tài chính từ tập đoàn cung ứng hàng gia dụng, tiêu dùng lớn của thế giới cộng với các chương trình marketing chuyên nghiệp đã giúp Unilever và P&G chiếm lĩnh thị trường. Giá bán lẻ trên thị trường bột giặt bị Unilever và P&G dẫn dắt và quyết định trong thời gian dài. Các doanh nghiệp trong nước muốn tiêu thụ sản phẩm bắt buộc phải đặt một mức giá rẻ hơn tương đối nhiều so với mức giá sản phẩm của thương hiệu ngoại. Trung bình mức giá của các nhãn hiệu Omo, Tide, Viso của Unilever và P&G cao hơn 30 – 40% so với nhãn hiệu Lix, Net, Vì dân, Mỹ Hảo. Do tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu trong lĩnh vực bột giặt chiếm trên 50%. Trong khi giá nguyên liệu trên thế giới luôn biến động mạnh, nhưng DN không thể điều chỉnh kịp thời giá bán sản phẩm. Chưa kể, thị trường của các hãng trong nước chủ yếu là nông thôn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa sản xuất bột giặt áp đảo về số lượng nhưng hoàn toàn lép vế về sức cạnh tranh. CTCP Bột giặt Lix (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) là 1 trong số 30 công ty trong nước có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, nhưng từ năm 2000 doanh nghiệp này đã trở thành đơn vị gia công cho Unilever. Tỷ lệ gia công thời điểm đó chiếm 70% sản lượng và cho đến năm 2011, dù đã tìm nhiều cách mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường sản phẩm mang thương hiệu riêng nhưng tỷ lệ gia công cho Unilever vẫn còn đạt mức 34% Trước sức ép của Unilever và P&G, doanh nghiệp sản xuất bột giặt đã "chiến đấu" với nỗ lực cuối cùng bằng quảng cáo, bán hàng, giá thành... Song, các thương hiệu lớn nhất trong thị trường nội địa hiện nay như ICC, Mỹ Hảo, Vico vẫn loanh quanh gia công cho đối thủ hoặc bị đánh dạt về thị trường nông thôn. Khó cạnh tranh trực diện với Unilever và P&G, các doanh nghiệp trong nước đều chọn chiến lược "ba chân": Vừa gia công hoặc làm nhãn hàng riêng cho các công ty đa quốc gia và siêu thị, vừa làm nhãn hàng riêng cho mình, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thị trường bột giặt đang đà tăng trưởng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không biết nắm lấy cơ hội, mạnh dạn đầu tư, có chiến lược kinh doanh bài bản, có chiều sâu thì thị trường bột giặt tương lai vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Người đăng: BL Nguyễn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|