Cần nghiên cứu kỹ về việc đánh thuế vàng |
Thứ năm, 17/10/2013, 08:49 GMT+7 |
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Một giải pháp mà VAFI đưa ra là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. Cụ thể, hiệp hội này đề xuất Chính phủ xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…, “vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết”. Và theo đề xuất của VAFI, để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, còn với hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. “Chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt được tình trạng vàng hóa, đô la hóa”, văn bản của VAFI nhấn mạnh. Cũng theo hiệp hội này, giải pháp đấu thầu vàng miếng không giải quyết được tình trạng vàng hóa đất nước và chỉ có lợi cho vài công ty kinh doanh vàng, còn đại bộ phận người mua vàng đều không hưởng lợi và ngược lại là thua lỗ lớn, thực tế trong ba năm qua đã chứng minh điều này. “Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm ngàn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm, đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ USD, lúc đó hình ảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ khác hẳn so với hiện nay”, VAFI phân tích. Thêm nữa, từ giải pháp trên, nếu như doanh nghiệp chỉ vay với lãi suất khoảng 5% - 6%/năm với VND và 2% với USD, VAFI tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững, ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ tăng nhanh. Các chuyên gia tài chính lên tiếng Liên quan đến đề xuất trên của VAFI, trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tại khoản 3 điều 17, cũng đã có hướng gợi mở: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ”. Trong thời điểm ngành trang sức còn gặp nhiều khó khăn, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên các mặt hàng nữ trang sẽ khiến doanh nghiệp ngành này không còn đủ sức chống đỡ. Ông Nguyễn Thành Long (Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam) cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nữ trang vì đây là các mặt hàng xa xỉ cũng hợp lý. Tuy vậy, với mức thuế như đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính là khoảng 20% lại quá cao, và chưa nên áp dụng lúc các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay. Theo ông Long, đặt trong bối cảnh hàng nữ trang Việt Nam đang chật vật trong việc tiêu thụ bởi sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc thì việc đánh thuế lại vô tình tạo cho hàng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường. Theo ông Long, hiện tại các doanh nghiệp nữ trang đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu không thể nhập từ nước ngoài, trong khi mua trong nước giá cao do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng không được vay tiền mua vàng, thì việc đánh thuế sẽ khiến doanh nghiệp đã khó còn khó hơn. Ông Long cho rằng trong khi các nước trong khu vực đều đánh giá ngành trang sức là một ngành quan trọng và tạo điều kiện để phát triển thì ở Việt Nam ngành hàng này lại gặp khó bởi nhiều chính sách nhà nước. Trình bày trước hội thảo công trình nghiên cứu “Quản lý thị trường vàng - Thực trạng và giải pháp” được chuẩn bị hơn một năm, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng chủ trì, đặt ra nhiều vấn đề mới trong quản lý vàng mà điểm nhấn đầu tiên là chính sách thuế. Thứ nhất, đối với thuế xuất khẩu vàng trang sức, vàng nguyên liệu: theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, thuế suất đối với vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% là 10%; hàm lượng trên 99,99%: 0%; thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ loại hàm lượng trên 80%: 10% và hàm lượng dưới 80% là 0%. Theo tiến sĩ Trung, do đặc thù là quốc gia nhập khẩu vàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, công nghệ chế tác chưa phát triển và do đó vàng trang sức chưa phải là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là ngành tiềm năng, nên Bộ Tài chính cần đánh thuế đối với sản phẩm có hàm lượng cao trên 99,99% thay vì đánh thuế xuất khẩu nữ trang có hàm lượng trên 80%. Thứ hai, đối với thuế suất xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu: “Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, nếu đánh thuế thì Nhà nước đang tự lấy ngân sách đóng thuế cho ngân sách. Như thế, rất lãng phí khi phát sinh chi phí thu thuế. Mặt khác, nếu Ngân hàng Nhà nước ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho đơn vị nào đó, có thể xảy ra chuyện gian lận để được khấu trừ thuế đầu vào. Vì thế, nên miễn toàn bộ các loại thuế này”, tiến sĩ Trung nhấn mạnh. Thứ ba, đối với chính sách thuế giá trị gia tăng áp dụng theo Công văn số 323/TCT-CS ban hành ngày 23/1/2013, cho thấy, việc áp dụng đồng thời doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ xếp chung vào nhóm “hoạt động kinh doanh vàng” dẫn đến việc đánh thuế vào vàng miếng và vàng trang sức như nhau là không hợp lý. Ông Trung phân tích: Đối với các loại vàng khác nhau có hàm lượng vàng, “tuổi vàng” khác nhau, đồng nghĩa với mục đích sử dụng cũng sẽ khác nhau. Do vậy cần làm rõ mức thuế VAT đối với các loại vàng khác nhau. Thứ tư, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, do tập quán nắm giữ, cất trữ vàng lâu đời của người dân nên nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, theo hướng: chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân mua bán, tiêu dùng, cất trữ vàng miếng; không áp dụng đối với vàng trang sức nhưng phải có văn bản quy định phân biệt vàng miếng, vàng trang sức để tránh lách luật trốn thuế. “Nếu coi vàng là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa đầu tư thì mới có thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, còn nếu coi vàng là tiền tệ thì chẳng có lý do gì để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với tiền cả!”, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính hiện đang công tác tại Bộ Tài chính đặt vấn đề. Người đăng: Trung Thịnh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|