Microsoft - Nokia: hôn nhân có bền chắc? |
Thứ ba, 10/09/2013, 09:01 GMT+7 |
Sau 2 năm hợp tác chiến lược (Nokia chuyển sang sử dụng nền tảng Windows Phone của Microsoft), “gã khổng lồ phần mềm” Microsoft đã bất ngờ thâu tóm bộ phận Thiết bị và dịch vụ của Nokia với giá 7,2 tỷ USD. Đây là một thương vụ mà giới phân tích đã dự đoán từ trước bởi lẽ ngay sau khi Stephen Elop, cựu giám đốc của Microsoft, lên làm CEO tại Nokia, mối quan hệ giữa hãng điện thoại Phần Lan và Microsoft đã trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Sau thương vụ, thương hiệu Lumia và Asha của Nokia cũng thuộc về Microsoft, đồng nghĩa với việc Nokia sẽ không còn sản xuất smartphone trong tương lai, mà sẽ chỉ sản xuất điện thoại cơ bản. Microsoft và Nokia đã ký kết hợp tác chiến lược từ năm 2011. Theo thỏa thuận này, Nokia sẽ sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft trong các thiết bị di động của mình. Nhưng Ballmer cho rằng việc về chung dưới một mái nhà có thể tạo những đột phá lớn cho Microsoft. “Chúng tôi nghĩ rằng mình đã tạo ra những tiến bộ lớn trong việc hợp tác với Nokia. Nhưng chúng tôi biết sẽ còn quãng đường dài nữa để đi và nhận thấy việc về chung một mái nhà là con đường tốt nhất cho cổ đông của hai công ty”, Ballmer cho biết. Thế nhưng, giới phân tích lại hoài nghi về dự báo lạc quan của Ballmer. Vì sau gần 3 năm hợp tác với Nokia, hệ điều hành Windows Phone của Microsoft vẫn chỉ mới chiếm khoảng 4% thị trường smartphone (điện thoại thông minh) so với thị phần 90% của hệ điều hành IOS (của Apple) và Android (của Google). Các nhà đầu tư của Microsoft cũng không tin vào triển vọng này, khiến giá cổ phiếu của Công ty giảm 4,6% xuống còn 31,88 USD/cổ phiếu vào thứ Ba tuần qua. Điều khiến nhiều nhà đầu tư không hài lòng là Nokia không phải là con cá lớn. Nokia từng đi đầu trong lĩnh vực smartphone nhưng đã nhanh chóng đánh mất thị phần vào tay Apple và Samsung. Đáng buồn hơn là thương vụ mua lại mảng điện thoại của Nokia dường như chẳng khiến cho các nhà phát triển ứng dụng cảm thấy hứng thú trong khi họ lại là người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Microsoft gia tăng sức hút cho các thiết bị Windows với việc làm giàu kho ứng dụng di động của Tập đoàn. Việc thực hiện một cuộc thâu tóm lớn, dù trong thời bình, đã là một thách thức. Huống hồ chi, Microsoft lại thực hiện điều này trong bối cảnh có sự thay đổi bất ngờ về lãnh đạo. Điều đó càng khiến nhiều người cảm thấy bất an. Đó là chưa kể đến việc Microsoft sẽ phải tìm cách dung hòa văn hóa làm việc, sau khi 32.000 nhân viên của Nokia gia nhập Tập đoàn. Nếu, không nói đến áp lực tái cấu trúc tổ chức thì thương vụ Nokia sẽ đưa Microsoft lấn sâu vào lĩnh vực phần cứng hơn bao giờ hết. Lĩnh vực này cực kỳ phức tạp. Trong thương vụ thâu tóm trên, còn có một số phận được nhiều người quan tâm: Nokia. Sau khi Microsoft mua lại bộ phận thiết bị di động, công ty Phần Lan này sẽ còn lại những gì và phát triển như thế nào? Một số chuyên gia phân tích cho rằng, khi không còn phải lo lắng với việc cạnh tranh trên thị trường di động, Nokia sẽ được tự do để xây dựng một công ty sinh lợi từ các mảng nói trên. Và số tiền có được từ việc bán mảng thiết bị có thể sẽ được dùng vào việc đầu tư đẩy mạnh 2 lĩnh vực: bộ phận thiết bị mạng viễn thông và bộ phận các dịch vụ bản đồ. Rõ ràng, thoát khỏi mảng điện thoại làm ăn thua lỗ chưa hẳn sẽ đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho Nokia. Nhưng ít nhất, Nokia đang có cơ hội để tái sinh như lời của Chủ tịch Nokia Risto Siilasmaa. Có vẻ như nhà đầu tư cũng cùng chung ý nghĩ khi giá cổ phiếu Nokia đã tăng tới 34% sau khi thương vụ mua lại được công bố. Người đăng: BL Nguyễn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|